TheỷlệlâynhiễmHIVởnhómđồnggiớyoshida x denjio Bộ Y tế, nhiễm mới HIV là tình trạng nhiễm HIV được xác định sau khi HIV xâm nhập vào cơ thể đến trước 12 tháng hoặc xác định theo các dấu ấn sinh học quan sát được.
6 tháng đầu năm 2023 có 8.025 ca nhiễm HIV mới
Thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong giai đoạn 2017-2019, trung bình 9 tháng đầu năm ghi nhận lần lượt là 6.683 ca - 5.700 ca - 8479* ca mắc mới HIV (*số liệu 10 tháng đầu năm 2019). Ước tính mỗi năm ghi nhận khoảng 9.800 - 10.000 ca mắc mới.
Năm 2020 có khoảng 13.000 người nhiễm HIV. So sánh với số liệu năm 2019 cho thấy tổng số ca mắc mới tăng mạnh, tỷ trọng nhóm tuổi trẻ (16 - 29 tuổi) trong số người nhiễm HIV được phát hiện tăng, từ 37,9% lên 45,5%.
Trong 10 tháng đầu 2021 cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Ước tính năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính. 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 người nhiễm HIV mới, ước tính cả năm khoảng 12.000 ca mắc mới. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã ghi nhận 8.025 trường hợp nhiễm HIV mới.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, quan hệ tình dục không an toàn như quan hệ tình dục cùng lúc với nhiều người, quan hệ tình dục với người lạ, quan hệ không dùng bao cao su... là những nguyên nhân chính khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV những năm gần đây.
Quan hệ đồng giới nam chiếm 41,4%
Theo Bộ Y tế, trong số 8.025 trường nhiễm HIV mới 6 tháng đầu 2023, có 82,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 16 - 29 (46,6%), tiếp đến là 30 - 39 (29,1%). Về nguyên nhân lây nhiễm HIV, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (74,3%), quan hệ đồng giới nam (MSM) chiếm 41,4%.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nếu như trước đây, lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy (IDU) và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm (PNMD), thì những năm gần đây, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở MSM đang có xu hướng tăng. Năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm MSM là 6,7%, năm 2017 tăng lên 12,2%, đến năm 2020 là 13,25%.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Cao Kim Thoa, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS), 3 - 4 năm gần đây, số ca nhiễm HIV ghi nhận tại Việt Nam đều tăng ở nhóm người trẻ và MSM. MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV do họ thường có nhiều bạn tình, quan hệ không sợ mang thai và đường quan hệ cũng dễ lây nhiễm hơn.
Nguyên nhân gia tăng ca nhiễm HIV ở nhóm MSM
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Lâm Vĩnh Phúc, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM), cho biết số ca nhiễm HIV gia tăng ở nhóm MSM là do quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su.
Bác sĩ Vĩnh Phúc cho biết, các con đường lây nhiễm HIV ở nhóm MSM có thể kể đến như sau:
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn mang lại nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất. Do niêm mạc hậu môn mỏng, niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch, dễ bị tổn thương, dễ chảy máu, hậu môn cũng không có các tuyến tiết chất nhờn để bôi trơn nên dễ bị trầy xước. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn không sử dụng chất bôi trơn cũng như bao cao su sẽ gây trầy xước hậu môn khiến vi rút HIV dễ dàng xâm nhập vào cơ thể đối phương.
Vi rút HIV có rất nhiều trong tinh dịch, vì vậy hành động cọ xát dương vật vào nhau cũng khiến bệnh lây truyền. Thêm nữa, đầu dương vật chỉ được bảo vệ bởi lớp niêm mạc mỏng chứ không phải lớp da thường, vì vậy trong quá trình cọ xát, âu yếm, có thể tạo ra những vết trầy xước, tổn thương mà mắt thường không nhìn thấy được, điều này vô tình tạo môi trường cho vi rút HIV xâm nhập.
Mặc dù quan hệ bằng miệng có tỷ lệ nhiễm bệnh ít hơn nhưng nếu người nhiễm HIV bị lở miệng, chảy máu chân răng hay loét miệng thì cũng sẽ có khả năng lây bệnh cho người còn lại.
Bác sĩ Vĩnh Phúc chia sẻ, hiện nay nhiều người coi chất bôi trơn như “thần dược”, có thể ngăn ngừa vi rút HIV và quên luôn việc sử dụng bao cao su. "Đây là quan điểm thiếu căn cứ, không khoa học. Chất bôi trơn có thể làm giảm trầy xước chứ không hoàn toàn loại bỏ nguy cơ lây nhiễm bệnh", bác sĩ Phúc phân tích.